Quốc hội đã chính thức chốt phương án điều chỉnh hiệu lực thi hành của Luật Đất đai (sửa đổi) từ ngày 1-8-2024, sớm hơn 5 tháng so với kế hoạch ban đầu…
Chiều 8-6, với 463/465 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Theo đó, về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Nghị quyết đã bổ sung vào Chương trình, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 6/2024) theo quy trình tại một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn hai dự án luật, nghị quyết.
Cụ thể gồm: bổ sung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 (tên gọi chính thức của Luật sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định khi xem xét, thông qua dự án Luật);
Bổ sung Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc giảm thuế giá trị gia tăng (báo cáo Quốc hội quyết nghị trong Nghị quyết kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV).
Cùng đó, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) 8 dự án luật, gồm: Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Nhà giáo; Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Đồng thời, trong năm 2024, sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua hai pháp lệnh sau: Pháp lệnh Chi phí tố tụng; Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng |
Trước khi Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết này.
Đáng chú ý, ông Tùng cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ thêm sự cần thiết, tính cấp bách, khả thi của việc ban hành Luật điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng (trong năm 2024). Có ý kiến đề nghị chỉnh sửa tên Luật này để chỉ rõ việc điều chỉnh thời điểm có hiệu lực của các luật chứ không nêu chung là sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật.
UBTVQH nhận thấy, việc sớm triển khai thi hành các luật nêu trên sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc, bất cập, đưa các chính sách mới đã được Quốc hội quyết định vào cuộc sống, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững, đẩy mạnh phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp.
Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho bổ sung dự án Luật vào Chương trình năm 2024, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và biểu quyết thông qua ngay tại Đợt 2 của Kỳ họp thứ 7 này theo trình tự, thủ tục rút gọn. Đồng thời, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, chỉnh lý tên gọi của Luật này cho phù hợp với phạm vi sửa đổi là chỉ điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành của các luật sớm hơn, cụ thể là từ ngày 1-8-2024.
Trước đó, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 được Quốc hội thông qua vào tháng 11-2023, Luật Đất đai 2024 được thông qua vào tháng 1-2024 và đều có hiệu lực từ ngày 1-1-2025. Như vậy, với Nghị quyết vừa thông qua, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành sớm hơn 5 tháng.