Lạm phát : Áp lực đã thấy rõ
Một cơn bão tăng giá từ năng lượng đến phân bón, ngũ cốc tới kim loại đang diễn ra trên toàn cầu và với độ mở kinh tế lớn, Việt Nam khó đứng ngoài.
Ngày 11/3, giá xăng trong nước vọt lên gần 30.000 đồng/lít, tăng mạnh nhất lịch sử. Giá xăng dầu tăng kéo theo nhiều mặt hàng đang phụ thuộc nhập khẩu đều tăng… Các đơn vị logistics cũng báo giá vận tải trong nước đã tăng mạnh.
Chưa kể, năm 2022 một gói 800.000 tỉ đồng dự kiến sẽ được bơm ra thị trường. Chi phí sản xuất tăng mạnh kết hợp với lượng tiền đổ ra thị trường khiến lạm phát giờ không còn là là nguy cơ mà đã hiện hữu.
Bất động sản có xu hướng tăng giá mạnh trong vòng xoáy lạm phát
Thống kê ngày 10/3, giá vàng “rơi thẳng đứng” chỉ còn 65 triệu/lượng, rớt tới 7 triệu so với 3 ngày trước đó khiến nhiều nhà đầu tư lao đao. Tương tự, thị trường chứng khoán trong 3 tháng qua luôn trong vòng xoáy lập đỉnh – thoái trào. Trong khi tiền ảo như bitcoin tiếp tục lao dốc, giảm tới 40% so với thời kỳ đỉnh, còn lãi suất tiết kiệm ngân hàng chỉ ở mức 5-6%, không đủ sức hấp dẫn .
Biểu đồ giá vàng biến động liên tục
Giữa bối cảnh này, các nhà đầu tư sẽ phải rút tiền ra khỏi các kênh có nhiều rủi ro để chuyển về kênh đầu tư hiệu quả hơn như bất động sản. Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam TS. Sử Ngọc Khương cho rằng, càng đầu tư bất động sản càng lớn, càng tốt. Nếu mua một căn nhà với giá 1 tỷ đồng, khi lạm phát xảy ra, giá sẽ tăng lên 1,2-1,5 tỷ đồng.
Đây là bài học đã được minh chứng qua nhiều thời kỳ lạm phát cả ở Việt Nam và thế giới. Đơn cử, giai đoạn 2006-2008, Việt Nam bị cuốn vào chu kỳ lạm phát mạnh cùng với nền kinh tế thế giới. Trong giai đoạn này, giá nhà đất đã tăng 100 – 150% chỉ trong một năm, tăng mạnh nhất trong lịch sử.