Chuyên gia nhận định bất động sản có nhiều điều kiện thuận lợi về vĩ mô, cung – cầu và quy hoạch để phục hồi trong năm 2021, trong tọa đàm ngày 31/3.
Tọa đàm “Triển vọng thị trường bất động sản năm 2021” do VnExpress tổ chức và phát sóng lúc 20h ngày 31/3. Các chuyên gia đã chia sẻ những “điểm sáng” của thị trường, đặc biệt là phân khúc bất động sản đô thị và du lịch nghỉ dưỡng trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi.
Kinh tế vĩ mô đi đúng hướng
PGS.TS. Trần Kim Chung – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, sau một năm gánh chịu thiệt hại của “cơn bão” Covid-19, từ năm nay, thế giới bước từ giai đoạn phòng thủ sang cầm cự và tấn công trực diện vào “cơn bão” này. Kế hoạch triển khai vaccine đang được đẩy mạnh trên toàn thế giới; các gói cứu trợ được sự đồng thuận cao tại các quốc gia; quan hệ giữa các cường quốc có dấu hiệu cải thiện, dòng dịch chuyển vốn đầu tư trên toàn cầu đang diễn biến theo hướng có lợi cho Việt Nam.
Riêng tại Việt Nam, quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu “kép” hứa hẹn tiếp tục gặt hái thành tựu trong năm nay, sau một năm trở thành quốc gia duy nhất trong ASEAN ghi nhận tăng trưởng GDP dương. Gói tín dụng giá rẻ 157.000 tỷ đồng dự kiến được đẩy nhanh tiến trình giải ngân trong năm nay để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế.
“Mọi thứ đang đi đúng quỹ đạo, chính sách, phản ứng và liệu pháp trong một năm qua về cơ bản đúng và đem lại kết quả tích cực”, PGS.TS. Trần Kim Chung nhận xét.
Mặt khác, giải ngân đầu tư công trong một năm qua và hai tháng đầu năm 2021 được đánh giá tích cực. Nhiều dự án quy mô lớn đã khởi công trên cơ sở quyết tâm của Chính phủ trong việc triển khai vốn. Đây là cú hích rất tốt cho phát triển kinh tế và đặc biệt là thị trường bất động sản.
“Nếu tham chiếu thang đo sức khỏe thì thị trường bất động sản hiện ở mức A đến A+”, ông Trần Kim Chung đánh giá.
FDI vào bất động sản tăng mạnh
Năm qua, Việt Nam là một trong ba quốc gia tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương ghi nhận tăng trưởng dương, bên cạnh Trung Quốc và New Zealand. Ông Lê Duy Bình – Chuyên gia kinh tế, Giám đốc Điều hành Economica Việt Nam khẳng định đây là bệ đỡ rất tốt để Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư, đặc biệt là FDI. Tăng trưởng này được hỗ trợ trực tiếp bởi nguồn đầu tư công và hoạt động xuất nhập khẩu được duy trì.
Cụ thể nguồn vốn FDI vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam với gần 29 tỷ USD. Con số này được đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong năm nay, dù thấp thấp hơn năm 2020 nhưng vẫn là con số lạc quan. Riêng vốn FDI đăng ký vào bất động sản chiếm đến 3,8 tỷ USD, 14,8% trong tổng số FDI đăng ký. Tỷ trọng về số tuyệt đối lẫn tương đối đều tăng so với năm trước.
Đơn cử tại Novaland – đơn vị đã và đang nhận sự ủng hộ của các định chế tài chính quốc tế, bà Nguyễn Thị Xuân Dung – Quyền Giám đốc tài chính cho biết, từ 2015, tập đoàn này đã huy động hơn 1,3 tỷ USD và gần như đã giải ngân hoàn toàn. Thành công của tập đoàn này nhờ vào ba yếu tố chính: năng lực và sự chuyên nghiệp cũng như kinh nghiệm của tập đoàn trong việc tiếp cận thị trường vốn quốc tế; tầm nhìn dài hạn và năng lực hiện thực hóa tầm nhìn này; và khả năng đáp ứng, tiếp thu kinh nghiệm của các nền kinh tế, các chủ đầu tư trên thế giới.
Ông Lê Duy Bình khẳng định, diễn biến này rất đáng chú ý bởi trong bối cảnh tiền khôn – của khó như năm 2020, các nhà đầu tư phải trông giỏ bỏ thóc như thế nào để quyết định chọn Việt Nam là điểm đến.
“Vậy điều gì làm nên sự khác biệt của Việt Nam? Đó là điều kiện kinh tế và khả năng khống chế dịch bệnh của Việt Nam đã tạo một hình ảnh mới: khả năng quản trị công, khả năng quản trị nền kinh tế”, ông Bình khẳng định.
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn thách thức khẳng định đây là một địa điểm đầu tư thuận lợi, an toàn và giàu tiềm năng sinh lời trong tương lai. Mặt khác, nhà đầu tư đang rót vốn vào nhiều phân khúc khác nhau như bất động sản đô thị, du lịch nghỉ dưỡng, công nghiệp… Đây là những phân khúc hưởng lợi lớn và trực tiếp từ tăng trưởng kinh tế và dòng vốn FDI.
Bên cạnh đó theo ông Lê Duy Bình, nhà đầu tư còn đánh giá cao sự hình thành của tầng lớp trung lưu Việt Nam. Ngân hàng Thế giới dự báo tầng lớp trung lưu Việt Nam sẽ tăng lên 26% vào năm 2026. Đây là lượng khách hàng rất lớn của căn hộ cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng, second home, biệt thự, shophouse… Ngoài ra nhu cầu an cư của giới chuyên gia khi đến sinh sống và làm việc tại Việt Nam cũng tạo ra một lực cầu lớn thúc đẩy bất động sản phát triển.
Chưa có dấu hiệu bong bóng bất động sản
Trong lúc tâm lý thị trường đang tích cực và diễn biến giá vẫn tăng bất chấp Covid-19, nhiều ý kiến lo ngại tình trạng bong bóng bất động sản xuất hiện. Ông Sử Ngọc Khương – Giám đốc Đầu tư cấp cao, Savills Việt Nam khẳng định chưa có dấu hiệu “bong bóng” trong năm nay và năm sau.
Lần gần nhất thị trường gặp tình trạng “bong bóng” bất động sản là giai đoạn 2011-2012. Tín dụng vào bất động sản đạt đến 35-40%, lãi suất ngân hàng sau một đêm tăng từ 12 lên 20%. Tình trạng mua bán nhà trên giấy diễn ra ồ ạt và nhà đầu tư “lướt sóng” áp đảo thị trường.
Trong khi đó ở giai đoạn hiện tại, tăng trưởng tín dụng được kiểm soát dưới 20%, lãi suất cho vay duy trì ở mức hợp lý 9-11%, lãi suất tiền gửi chỉ 5-6%. Bối cảnh kinh tế khác biệt hoàn toàn so với cách đây 10 năm.
Kế đến ở góc độ đầu tư, theo ông Sử Ngọc Khương, ở các thời kỳ khủng hoảng trong lịch sử thế giới, nhà đầu tư sẽ có xu hướng đi tìm kênh trú ẩn tài sản. Trong bối cảnh lãi suất huy động ngân hàng đang rất thấp, kênh vàng biến động, thì bất động sản là điểm đến được nhiều nhà đầu tư lựa chọn. Khác biệt với 10 năm trước, các nhà đầu tư hiện nay đã thông thái hơn và chú trọng tính an toàn trong quyết định đầu tư nhằm bảo toàn vốn.
Những xu hướng mới cho nhà đầu tư
Tọa đàm cũng đề cập những xu hướng mới trên thị trường bất động sản mở ra cơ hội sinh lời cho các nhà đầu tư. Trước hết là xu hướng phát triển đô thị trong đô thị. Ông Trần Kim Chung nhận định sau 15 năm, thị trường bất động sản hiện đã đạt đến giai đoạn quan tâm nhiều hơn đến chất lượng cuộc sống thay vì chỉ chú trọng diện tích, không gian bên trong mỗi căn nhà.
Theo đại diện Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương, đối với người mua nhà hiện nay, tiện ích sống quan trọng hơn diện tích sống; chiều rộng đường mặt tiền quan trọng hơn độ dài từ chỗ ở đến trung tâm; lối sống của chủ nhà hàng xóm quan trọng hơn thiết bị nội thất nhà mình; đô thị hóa nông thôn tích cực hơn nông thôn hóa thành thị; sự tự chủ và tự do trong không gian sống là ưu tiên số một trong lựa chọn mua nhà.
Do đó người mua có xu hướng tìm bất động sản trong khu đô thị để tìm kiếm điều kiện sống tốt hơn, có đầy đủ tiện ích nâng cao chất lượng cuộc sống.
Mặt khác, trong xu hướng giãn dân ra khỏi trung tâm TP HCM và kết nối đồng bộ ngày càng phát triển ở phía Đông thành phố, bà Nguyễn Thị Xuân Dung – quyền Giám đốc tài chính Tập đoàn Novaland ghi nhận người mua có xu hướng dịch chuyển ra xa TP HCM. Do thu nhập cải thiện, người mua không chỉ nhắm đến chỉ ở để ở mà còn phải tiện nghi, mang đến môi trường sống phù hợp, đáp ứng nhu cầu sống có chất lượng.
Đơn cử tại Novaland, tập đoàn phát triển dự án Aqua City tại phía Đông TP HCM. Đây là đô thị sinh thái thông minh sở hữu vị trí chiến lược, đáp ứng nhu cầu tận hưởng cuộc sống chất lượng cao của người dân, đi lại thuận tiện nhờ phát triển cơ sở hạ tầng của khu vực xung quanh. Tương lai khi hạ tầng hoàn thiện, thời gian di chuyển từ Aqua City về trung tâm TP HCM chỉ khoảng 20 phút.
Ngoài ra dự án còn hút khách nhờ không gian xanh rộng lớn, chiếm 70% diện tích 1.000 ha toàn khu, tạo cảnh quan xanh, cảm giác thoải mái, hài hòa giữa cư dân và thiên nhiên. Aqua City còn thừa hưởng những tiện ích dịch vụ trong hệ sinh thái do Nova Group đang triển khai về sức khỏe, giáo dục… nhằm đóng góp vào sự hình thành cộng đồng cư dân văn minh, phát triển bền vững vùng ven TP HCM.
Từ góc độ đầu tư, chính bởi những lợi thế kể trên, Aqua City đang nhận được sự quan tâm rất lớn của nhà đầu tư và tốc độ tăng giá rất tốt sau mỗi lần giới thiệu sản phẩm, bà Dung ghi nhận.
Đồng tình ý kiến về chất lượng sống, ông Sử Ngọc Khương cho rằng hiện người mua quan tâm nhiều đến chất lượng sống sau khi nhận bàn giao nhà. Đặc biệt trong phân khúc cao cấp đến hạng sang, yếu tố thực sự tạo nên sự sang trọng cho một sản phẩm bất động sản thuộc phân khúc này phải đến từ trải nghiệm sống và quá trình vận hành xuyên suốt của dự án, chứ không chỉ ở những vật liệu, trang thiết bị cao cấp một chút thì đã được gọi là cao cấp.
“Mua một căn hộ không phải mua một sản phẩm là xong, mà là câu chuyện đồng hành của chủ đầu tư về sau nữa, nhiều chủ đầu tư bán tốt do họ có cam kết đàng hoàng, có những dự án bán được hoài như Novaland. Không có nhiều nhà phát triển tại Việt Nam làm được điều này”, ông Khương đánh giá.
Đối với bất động sản du lịch nghỉ dưỡng vốn đang chịu ảnh hưởng mạnh của Covid-19, đây được xem là sản phẩm sẽ bùng nổ khi du khách trở lại, nền du lịch phục hồi. Ông Lê Duy Bình cho rằng khi thị trường phục hồi, những người Hà Nội vẫn có nhu cầu vào Phú Quốc, Phan Thiết… để đắm mình trong khung cảnh, hưởng thụ nền văn hóa… hoặc tiếp tục đi nước ngoài. Sự cạnh tranh sẽ nâng cấp sản phẩm ở mức độ cao hơn và tiếp tục thúc đẩy sáng tạo những sản phẩm mới, ở chất lượng cao hơn nữa. Việc này sẽ góp phần tạo ra bất động sản du lịch nghỉ dưỡng mới ở những địa phương có tiềm năng du lịch… thu hút nhà đầu tư và cả du khách trong nước và nước ngoài.
Các chuyên gia khẳng định dù hiện còn nhiều khó khăn liên quan công tác phòng chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế theo mục tiêu “kép” mà Chính phủ đã đề ra, thị trường bất động sản đã thể hiện sức đề kháng tốt và tiếp thu những kinh nghiệm điều phối thị trường còn để lại từ cuộc khủng hoảng kinh tế 10 năm trước. Với những lực đỡ từ kinh tế vĩ mô, cung – cầu và động lực phát triển hạ tầng, quy hoạch, bất động sản năm 2021 sẽ có nhiều cơ hội hơn thách thức đối với nhà đầu tư.