Theo công bố của Tổng cục Thống kê, Bình Dương là tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao nhất nước với trên 7 triệu đồng/tháng, so với thu nhập bình quân đầu người trên cả nước hiện nay là khoảng 4,2 triệu đồng/tháng.
Dù trong cao điểm dịch bệnh nhưng tại Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương dày đặc thông tin tuyển dụng. Nhu cầu về lao động của tỉnh luôn cao. Đối với các doanh nghiệp khó tìm lao động như ngành cơ khí, doanh nghiệp đến trực tiếp trung tâm để tuyển dụng. Người chưa có tay nghề thì doanh nghiệp sẽ đào tạo có trả lương.
Ông Nguyễn Văn Hồng, đại diện Công ty CP ô tô Jac Việt Nam tại Bình Dương, cho biết: “Cạnh tranh về lao động lớn nên doanh nghiệp cố gắng tuyển dụng, đào tạo và giữ người lao động. Điều này rất quan trọng”.
Doanh nghiệp và viện, trường cùng đào tạo đã cung cấp cho Bình Dương khoảng 233.000 lao động có tay nghề trong 5 năm qua, góp phần tạo giá trị sản xuất cao. Nhiệm kỳ qua, tổng sản phẩm trong tỉnh GRDP tăng bình quân trên 9,3%/năm trong khi Nghị quyết chỉ 8,3%.
Luỹ kế đến nay, Bình Dương đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với gần 4.000 dự án, có tổng vốn gần 37 tỷ USD, chiếm khoảng 9% tổng vốn FDI của cả nước.
Bình Dương đã tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp đến tổ chức kinh doanh, tạo nhiều công ăn việc làm, thu hút người lao động.
Một yếu tố quan trọng khiến thu nhập bình quân đầu người ở Bình Dương cao là tinh thần lao động. Với 1,6 triệu dân ở độ tuổi lao động thì có đến 97% trong số này có việc làm, trong đó 80% là người ngoại tỉnh. Họ đến mang khát vọng vươn lên và tạo lập cuộc sống mới từ lao động nên chăm chỉ đóng góp sức mình. Doanh nghiệp phát triển nên người lao động được thụ hưởng thành quả của mình là tăng thu nhập và các chính sách phúc lợi khác.
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, nguyên nhân chính của thành tựu này là việc đi đúng hướng, vừa kiên định với mục tiêu công nghiệp hoá – đô thị hoá, vừa khuyến khích đổi mới sáng tạo và không ngừng học hỏi. Lấy nguồn lực con người vừa là động cơ vừa là mục tiêu cho sự phát triển.
Ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, nói: “Chúng tôi luôn gắn kết mô hình 3 nhà là nhà nước – nhà trường – nhà doanh nghiệp qua đó đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, chúng tôi trực tiếp khảo sát, học hỏi một số địa phương thành công trong quá trình áp dụng KHCN cũng như trong quá trình điều hành kinh tế vĩ mô”.
Bình Dương xác định giai đoạn 2021 – 2025 sẽ là giai đoạn đột phá mới, chứng kiến sự bùng nổ về khoa học công nghệ toàn cầu và các mô hình kinh doanh khác biệt, nhưng cũng phải đón cơn khủng hoảng hậu đại dịch COVID-19. Những biến động đó đang đòi hỏi địa phương tập trung nguồn lực đầu tư vào đúng trọng tâm nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết sắp tới của doanh nghiệp, vừa tháo gỡ khó khăn, vừa tiếp tục bứt phá kinh tế đưa tỉnh lên một tầm cao mới.