Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng cho biết, huyện sẽ mở rộng KCN Bàu Bàng diện tích 1.000 ha để thu hút đầu tư phát triển khoa học công nghệ.
Tỉnh Bình Dương hiện đang tập trung thu hút đầu tư vào các KCN, cụm công nghiệp được quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ triển khai, xây dựng cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp; nghiên cứu hình thành KCN – đô thị khoa học công nghệ; tiếp tục chuyển đổi, di dời các doanh nghiệp vào các khu, cụm công nghiệp.
Báo Bình Dương dẫn lời ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết, làn sóng dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam và xu thế mở rộng sản xuất của các nhà đầu tư trong KCN đang gia tăng, việc xây dựng các KCN chất lượng cao là cần thiết.
“Nhằm tạo chuỗi cung ứng thuận lợi cho các doanh nghiệp, mới đây Ban Quản lý các khu chế xuất, KCN, khu kinh tế các tỉnh Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Dương đã ký thỏa thuận hợp tác với Ban Quản lý khu công nghệ cao TP HCM, hình thành mạng lưới tổ chức, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, phục vụ các nhà đầu tư trong vùng”, ông Trí nói.
Trong những năm gần đây, khi quỹ đất công nghiệp tại TP Dĩ An và TP Thuận An đã gần như cạn kiệt, tỉnh đã chuyển hướng quy hoạch các KCN lớn tại các khu vực còn nhiều quỹ đất trống như thị xãTân Uyên, thị xã Bến Cát, huyện Bàu Bàng và huyện Bắc Tân Uyên.
Bên cạnh đó, tỉnh đã chủ trương chuyển hướng phát triển công nghiệp về phía Bắc với các KCN làm đòn bẩy, giúp các địa phương phát triển công nghiệp rất nhanh. Trong đó, quỹ đất dành để phát triển KCN tại huyện Bàu Bàng có 1.000 ha, huyện Bắc Tân Uyên có 215 ha, thị xã Tân Uyên có 1.630 ha, thị xã Bến Cát có 3.200 ha và TP Thủ Dầu Một có 765 ha.
Thời gian tới, tỉnh sẽ chú trọng thu hút các nhà đầu tư có hàm lượng công nghệ cao nên đã quy hoạch phát triển KCN Khoa học công nghệ trên địa bàn huyện Bàu Bàng.
Ông Võ Thành Giàu, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng cho biết, huyện sẽ mở rộng KCN Bàu Bàng diện tích 1.000 ha để thu hút đầu tư phát triển khoa học công nghệ. Ngoài KCN Bàu Bàng, huyện còn có KCN Tân Bình, KCN Lai Hưng và KCN Cây Trường cũng đang được đầu tư hạ tầng, sẵn sàng đón các doanh nghiệp đến mở nhà máy.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng xây dựng nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào các KCN. Đồng thời tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thủ tục pháp lý về đất đai cho nhà đầu tư thứ cấp trong các KCN.
Bình Dương hiện có 31 KCN với tổng diện tích 12.721 ha, trong đó có 29 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 11.021 ha, tỷ lệ hấp thụ đạt trên 70%. Các KCN đã thu hút 2.965 dự án, bao gồm 2.309 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 24,3 tỷ USD và 656 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 76.608 tỷ đồng.